Monday, January 11, 2010

Đặng Siêu giới thiệu kế hoạch " Siêu và siêu nhân", tạm thời sẽ không đóng phim với Tôn Lệ


nguồn : ent.sina
lược dịch: bubikuki





Ngày 10/1, Đặng Siêu đã tham gia buổi kí tặng sách ảnh " Siêu và siêu nhân" tổ chức tại Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn Sina, Đặng Siêu ngoài giới thiệu về sách mới, còn tiết lộ kế hoạch đóng phim trong năm nay, đồng thời biểu thị tạm thời sẽ không hợp tác lần nữa với Tôn Lệ.

Sina: Anh giới thiệu một chút về kế hoạch thực hiện " Siêu và siêu nhân" được không?

Đặng Siêu: Thực ra dự án này đã bắt đầu khởi động từ năm 2008, nhưng không ra mắt là vì cảm thấy vẫn chưa được hài lòng, tuy nhiên tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ phía bạn bè. Khi tổng giám đốc Hoa Nghị Vương Trung Quân và phó giám đốc Tông Soái lên kế hoạch sang New Zealand, tôi cũng đi cùng bọn họ. Lúc đó phó giám đốc Tông Soái đã nhắc đến việc liệu có thể làm một cuộc thử nghiệm " Siêu và siêu nhân" được hay không, thông qua những bức ảnh được chụp dưới góc nhìn của tôi, để cảm nhận sự khác biệt giữa các nền văn hóa, các quốc gia không đồng nhất.

Sina: Anh có suy nghĩ đến việc đem " Siêu và siêu nhân" mở rộng sang các lĩnh vực truyền thông khác không?

Đặng Siêu: Muốn chứ. Nhưng tôi thuộc tuýp người thận trọng, gặp phải những lĩnh vực không nắm chắc thì thường là bỏ qua.

Sina: Trong mắt anh, siêu nhân là như thế nào?

Đặng Siêu: Siêu nhân? ( trầm ngâm một lát) Chủ đề này rộng quá. Tôi cho rằng siêu nhân đầu tiên là một người tràn đầy sự nhiệt tình, giải quyết mọi việc của bản thân với lòng nhiệt ái, đạt được một số thành tích, ngoài ra phải có sự đam mê. Tôi cho rằng siêu nhân không nhất thiết phải là nhân sỹ thành công được mọi người nhắc tới thường xuyên, mà cũng có thể chỉ là một nhân viên bảo vệ môi trường, hay một tình nguyện viên.

Sina: Ông Vương Trung Quân " siêu nhân" ở điểm nào?

Đặng Siêu: Ông ấy đã từng là bộ đội, sau đó sang Mỹ du học, từng làm công việc đưa hàng. Hiểu biết về tài chính, về thương nghiệp của ông ấy được tích lũy một cách dần dần. Khi về nước lựa chọn kinh doanh lĩnh vực văn hóa đã đạt được thành công lớn. Nhưng tôi cảm thấy dường như ông ấy không phải người thích quản lĩnh vực này, mà hứng thú với sở thích của bản thân hơn, ví dụ như sưu tập chẳng hạn.

Sina: Bản thân anh đối với thương nghiệp thì sao?

Đặng Siêu: Tôi quả thật không làm được ( cười), đam mê của tôi không đặt ở lĩnh vực đó, cũng không biết nếu đặt sở thích của mình vào đó thì sẽ ra sao. Tôi là người thận trọng, không hiểu thì sẽ không làm.

Sina: Hoa Nghị lên sàn rồi, anh có mua cổ phiếu của công ty không?

Đặng Siêu: Tôi không đầu tư một phân nào cả. Không hiểu, đối với cổ phiếu, chứng khoán thật sự là không hiểu. Tổng giám đốc Vương cũng đã từng hỏi, muốn tôi mua một ít. Nhưng tôi nói quả thật mình không hiểu, cũng không giả vờ là hiểu. Cũng có người khuyên tôi nên mua, nhưng tôi cho rằng đồng tiền không nên tranh thì tốt hơn là không tranh, dù sao như hiện giờ cũng rất tốt.

Sina: Trong cuốn sách ảnh này anh có giới thiệu mấy bộ phim điện ảnh, đa số đều thuộc phạm trù nghệ thuật, có phải anh thích điện ảnh nghệ thuật không?

Đặng Siêu: Cũng có thể nói như vậy, nhưng thật ra phim gì tôi cũng xem, phim gì cũng muốn xem. Ví dụ như Avatar tôi cũng rất thích, hai ngày trước vừa xem nhưng bây giờ vẫn muốn xem lại.

Sina: Trong đó có hai bộ là của Wim Wenders?

Đặng Siêu: Tôi rất thích anh ấy, nhưng hình như tôi thích nhiều quá. Lúc nào cũng có người hỏi tôi thích nhất ai, tôi nói rất khó để nói là "nhất". Đạo diễn hay diễn viên đều như vậy, ai cũng có điểm mạnh của riêng họ.

Sina: Anh còn đến thăm cả phim trường WETA, có cảm xúc gì không?

Đặng Siêu: Rất kinh ngạc. Vì lúc đó không được phép chụp ảnh mà, tôi mang máy ảnh tới liền bị nhắc nhở là không được chụp. Vào bên trong ngay lập tức nhìn thấy mô hình King Kong, Quái vật sông Hàn tỉ lệ 1:1, có thể cảm nhận được sự tiến bộ cũng như đầu tư của bọn họ vào nền công nghiệp điện ảnh. Studio hậu kì ở đây đã là tốt nhất nhì trên thế giới rồi, cả khâu hậu kì của Avatar cũng được hoàn thiện một phần ở đây.

Tổng giám đốc Vương tham quan một studio hậu kì khác của Micheal Jackson, cảm giác vô cùng kinh ngạc. Ông ấy nói chưa thấy một studio hậu kì điện ảnh nào được trang bị tốt đến như vậy. Trong một phòng chiếu, mọi công việc hậu kì đều có thể hoàn thành, bao gồm cả lồng tiếng.

Sina: Ấn tượng sâu sắc nhất ở WETA là gì?

Đặng Siêu: Có lẽ là mô hình King Kong, ở đó có rất nhiều mô hình khác nhau. Ví dụ như khi quay cận cảnh sẽ là mô hình tỉ lệ 1:1, ngoài ra còn có mô hình tạo bằng máy tính, được phân chia thành rất nhiều tỉ lệ to nhỏ khác nhau.

Sina: Cảm nhận về New Zealand của anh thế nào?

Đặng Siêu: Sạch sẽ, thành phố dường như được nước rửa qua vậy. Tôi cảm thấy nơi nào cũng giống như tranh sơn dầu, nhìn từ bất kì góc độ nào cũng giống một bức tranh sơn dầu. Mặc dù lịch sử không lâu dài như của chúng ta, nhưng họ rất có ý thức bảo vệ những gì thuộc về lịch sử.

Sina: Trong sách có rất nhiều ảnh anh chụp cùng với thùng rác, tại sao lại chụp như thế?

Đặng Siêu: Thực ra việc bảo vệ môi trường ở một số quốc gia đã trở thành thói quen, cũng là vấn đề mà chúng ta luôn đề xướng. Tôi cho rằng thùng rác cũng là một đồ vật rất vĩ đại, một " vệ sỹ" ngày ngày chăm chỉ gom đồ bỏ đi. Thùng rác ở những khu công nghiệp New Zealand rất gọn gàng, còn ở những khu văn hóa, rạp chiếu phim, quảng trường... lại có màu sắc và hình dáng đa dạng, không cái nào giống cái nào, vừa nhìn đã thấy là tâm sức của các nhà thiết kế. Một mặt tôi cho rằng chúng rất vĩ đại, mặt khác cho rằng chúng rất có ý nghĩa.

Sina: Vậy anh cho rằng việc minh tinh làm từ thiện thì ý nghĩa ở điểm nào?

Đặng Siêu: Tôi cho rằng minh tinh hay không cũng không quan trọng, nếu bạn đem việc này đổi lấy một thứ gì đó, xuất phát điểm như thế đã là sai lầm rồi. Đây là việc có liên quan trực tiếp đến bản thân mình, khi không có một đội ngũ nhân lực hùng mạnh hay một quỹ nào đó ủng hộ, thì dùng sức ảnh hưởng xã hội, dùng hình tượng công chúng của chính mình, sao đó để dần dần thu hút, dẫn dắt mọi người. Tôi cho rằng đây không hẳn chỉ là một công việc, mà thật sự nó còn liên quan đến chính bản thân mình, liên quan đến mọi người trong xã hội.




Sina: Vừa mới đây, vở kịch nói " Thuý Hoa" của anh nhận được sự phản hồi rất tốt, anh cảm thấy ý nghĩa của việc một lần nữa quay trở lại với sân khấu kịch nằm ở đâu?

Đặng Siêu: Ý nghĩa nhiều lắm! Đây là lần đầu tiên trong suốt 8 năm qua tôi nghiêm túc diễn một vở kịch nói. Một người huynh đệ có tìm tôi nói rằng muốn diễn lại vở kịch này, anh ấy cũng đã giúp tôi hoàn thành giấc mơ của mình. Nhưng ban đầu anh ấy không nói là muốn tôi diễn, về sau tôi mới biết đó là một " âm mưu". ( cười) Lúc nào anh ấy cũng nói về chuyện này ngay cạnh tai tôi, cho đến cuối cùng tôi đành nói " Thế này đi, để em giúp mọi người diễn vài trường, nhưng có thể em không có nhiều thời gian tập luyện". Anh ấy cũng biết tôi vẫn chưa quên lời thoại của 8 năm trước, nên có thay đổi một chút cũng không sao.

Lúc đầu tôi có nói sẽ không nhận thù lao, sau đó mọi người bảo sẽ đem số tiền đó chuyển đến cho quỹ phúc lợi dân số, tổ chức lễ khởi động quỹ " Girls in sunshine". Vở kịch này đối với tôi mà nói có rất nhiều ý nghĩa, trong tổng số 19 trường tôi đã diễn 10 trường. Một mặt tôi đã dốc hết tâm huyết, hết mình hoàn thành, rồi kinh ngạc nhận ra phía dưới khán đài là các khán giả của 8 năm về trước, một lần nữa lại được cùng họ trải qua buổi tối đầy vui vẻ.

Sina: Anh cho rằng phim truyền hình và kịch nói có mối quan hệ thế nào? Có người nói đóng phim truyền hình là quá trình tiêu hao, còn diễn kịch nói là hấp thu dưỡng chất?

Đặng Siêu: Tôi không cho rằng đóng phim truyền hình là tiêu hao, hơn nữa tôi cũng đi lên từ những bộ phim TH, nên rất trân trọng nó. Thực ra là góc độ và thước đo không giống nhau. Khi biểu diễn trên sân khấu cũng giống như bạn đi thăng bằng trên dây vậy, ngã là ngã luôn. Còn đóng phim truyền hình thì giống như đi trên mặt đất, có thể diễn lại nhiều lần.

Trước đây đã có người từng nghiên cứu, khi biểu diễn trên sân khấu, cơ thể con người sẽ tiết ra một loại chất, có thể là adrenaline hay một chất gì đó giống như enzyme kích thích đại não. Diễn kịch nói trong thời gian dài, đến khi quay lại diễn ở sân khấu không có khán giả ( phim TH), bạn vẫn sẽ có cảm giác như trước, đây chính là cái lợi mà kịch nói mang đến cho phim truyền hình. Đương nhiên, phim truyền hình cũng là một sự tổng hợp, bao gồm cả đạo diễn v.v... Nhưng tôi cho rằng để làm một diễn viên giỏi, thì kinh nghiệm diễn kịch nói cũng vô cùng quan trọng. Diễn kịch trên sân khấu không có bức tường vô hình nào ngăn cách cả, còn khi quay phim bạn phải đối mặt với camera, kết quả có tốt hay không rất lâu sau mới có thể biết được.

Sina: Trong " Địch Nhân Kiệt" anh diễn nhân vật như thế nào?

Đặng Siêu: Kì thực nhân vật đó giống một con báo đang ngủ. Đạo diễn Từ Khắc nói tất cả mọi thứ của anh ta đều giống như dã thú, nhưng khi phim kết thúc, anh ta lại có thể mang đến cho bạn cảm giác ấm áp.

Da của nhân vật này tại sao phải hoá trang thành màu trắng, mục đích để tạo cho bạn cảm thấy xa cách. Con người này không biết mình muốn làm điều gì, ai anh ta cũng ghét bỏ. Nói một cách đơn giản, anh ta là FBI đương thời, còn Địch Nhân Kiệt là FBI thời xưa. Anh ta cho rằng cách phá án của Địch Nhân Kiệt đã lỗi thời, nhưng hai người hợp tác với nhau sẽ rất thú vị. Hơn nữa, nhân vật này để đạt được mục đích thì không từ thủ đoạn nào, nhưng thực tế những việc anh ta muốn làm đều là đúng cả, đối với điều tra chứng cứ cũng là đúng.

Sina: Sắp tới anh sẽ tham gia phim " Anh là huynh đệ của tôi" đúng không?

Đặng Siêu: Cái tên này mới là định tạm thời, là một bộ phim của nam nhân. Trước đây tôi đóng tương đối nhiều phim về tình cảm nam nữ, lần này có thể nói là câu chuyện giữa bốn huynh đệ. Trong nhà, tôi diễn lão Nhị, một tên không sợ trời không sợ đất, còn lão Đại là một người thích đọc sách, lão Tam chạy rất nhanh, lão Tứ thì hay khóc.

Sina: Có tin nói rằng Tôn Lệ sẽ tham gia diễn phim này?

Đặng Siêu: Không phải.

No comments:

Post a Comment

Super Subbing Team

KHÔNG UPLOAD VIETSUB DO SST LÀM LÊN CÁC TRANG XEM VIDEO ONLINE.

Mọi upload lên các trang web khác đề nghị ghi rõ nguồn SST@đặngsiêu.vn